Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của Hideyoshi Thời_kỳ_Azuchi-Momoyama

Khảo sát đất đai

Khi tất cả Nhật Bản đã nằm dưới quyền kiểm soát của Hideyoshi, một thiết chế mới được định hình. Đất nước nay đã được thống nhất dưới một lãnh đạo duy nhất, nhưng quyền thống trị người dân vẫn còn phân tán. Đơn vị tính quyền lực giữa các vùng đất được tính bằng số hộc gạo có thể sản xuất được. Năm 1598, việc đo đạc trên toàn quốc được bắt đầu và ước định được sản lượng gạo toàn quốc là 18,5 triệu hộc, với 2 triệu trực tiếp dưới quyền quản lý của Hideyoshi. Ngược lại, Tokugawa Ieyasu, người đã được Hideyoshi chuyển đến vùng Kanto, giữ 2,5 triệu hộc.

Việc đo đạc này được Hideyoshi tiến hành trước và sau khi ông nhận danh hiệu Taiko, do đó được gọi là "Cuộc đo đạc Taikō" (Taikō kenchi).[4] Hideyoshi tiến hành đo đạc đất đai ở những nơi ông chinh phục được và nắm chặt những nơi đó làm cơ sở thống nhất đất nước. Đo đạc Taikō được tiến hành trên quy mô toàn quốc với phương pháp đo đạc thống nhất, từ đó điều chỉnh các loại quan hệ sở hữu đất đai phức tạp trước đó, đổi mới hoàn toàn chế độ ruộng đất. Từ đó, chế độ trang viên cũ hoàn toàn sụp đổ. Ngoài ra, ông còn cho thống nhất thước đo.

Các biện pháp kiểm soát

Một số các cải cách trong việc quản lý để khuyến khích giao thương và ổn định xã hội. Để cải thiện giao thông, các trạm thu phí và trạm kiểm soát được dựng lên dọc đường phần lớn bị dẹp đi cũng như các pháo đài quân sự không cần thiết. Các phương pháp thực sự phân biệt đẳng cấp được thiết lập, bao gồm cả việc yêu cầu rằng các tầng lớp khác nhau phải sống tách biệt trong các khu vực khác nhau ở thành phố và bị cấm hay sở hữu vũ khí. Hideyoshi ra lệnh trưng thu vũ khí trong một cuộc "thu kiếm" quy mô lớn (katanagari).

Thống nhất

Hideyoshi củng cố địa vị của mình bằng cách sắp xếp lại đất đai của các daimyo theo cách có lợi cho mình. Đặc biệt là ông bổ nhiệm gia đình Tokugawa đến vùng Kanto, cách xa thủ đô và được vây quanh bởi lãnh địa của các chư hầu đáng tin cậy. Ông cũng tạo ra một hệ thống con tin theo đó vợ và con của các daimyo phải ở lại lâu đài Osaka.

Ông cũng cố tổ chức cho việc thừa kế được suôn sẻ bằng cách tự xưng là Taikō, hay "Kanpaku về hưu" năm 1591 và chuyển chức vụ Nhiếp chính cho cháu trai đồng thời là con nuôi của mình là Toyotomi Hidetsugu. Sau này ông mới chính thức hóa sự cân bằng quyền lực bằng cách thành lập một nhóm những người cai quản. Điều này bao gồm Hội đồng Ngũ Nguyên lão, những người thề sẽ giữ hòa bình và ủng hộ nhà Toyotomi, năm thành viên của hội đồng này nắm quyền chi phối mọi hoạt động của quốc gia.

Các chiến dịch ở Triều Tiên

Tham vọng lớn cuối cùng của Hideyoshi là xâm lược nhà MinhTrung Quốc. Vào tháng 4 năm 1592, sau khi bị từ chối việc mượn đường qua Triều Tiên, một vương triều hưng thịnh vốn liên minh với nhà Minh, ông mang 200.000 quân đến xâm lược và tiến qua lãnh thổ Triều Tiên bằng vũ lực. Trong Những cuộc xâm lược Triều Tiên của Nhật Bản (1592-1598), người Nhật đánh chiếm được Seoul tháng 5 năm 1592, và trong vòng ba tháng đã tiến đến Bình Nhưỡng cùng với một số lượng đông đảo những người Triều Tiên hợp tác với họ, những người ban đầu xem người Nhật như những người giải phóng chống lại chế độ độc tài tham.

Vua của nhà Joseon cầu viện Trung Quốc, và quân đội Nhật buộc phải rút lui xa về phía Nam đến tận Seoul vào tháng 1 năm 1593. Trong khi người Nhật vẫn thắng như chẻ tre trên đất liền thì hai đô đốc Triều Tiên là Won GyunYi Eok-gi bị hải quân Nhật Bản giết chết. Bởi vậy, Hoàng đế Trung Hoa gửi đô đốc Trần Lân đến. Đô đốc Triều Tiên Yi Sun-shin tấn công thành công tàu tiếp tế của quân Nhật, cắt đứt đường tiếp vận. Sự can thiệp của Trung Quốc và thắng lợi của hải quân Triều Tiên đã dẫn đến việc Nhật Bản đề nghị việc đàm phán hòa bình.

Trong suốt cuộc hội đàm, Hideyoshi yêu cầu việc phân chia Triều Tiên, thương mại tự do và một công chúa Trung Quốc để làm thiếp của Hoàng đế Nhật. Tuy vậy, người Trung Quốc chẳng thấy lý do gì để đối xử ngang hàng với những kẻ xâm lược, và những nỗ lực hòa bình lâm vào ngõ cụt. Cuộc xâm lược lần thứ hai bắt đầu năm 1597, nhưng không thành công như lần trước vì người Nhật gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ phía Triều Tiên và cuối cùng kết thúc đột ngột với cái chết của Hideyoshi năm 1598, khi các chỉ huy của quân Nhật nhanh chóng thoái lui về nước để phân định ngôi Tướng quân.